Bí mật của phép thuật và cách hóa giải lời nguyền?

Bí mật của phép thuật và cách hóa giải lời nguyền?

Địa thế và con người là những yếu tố đầu tiên để cấu thành nên một thần giữ của nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là phép thuật và phù chú. Đấy là sự thể hiện ràng buộc giữa thần và nhân, là chìa khóa để mở ra kho báu và hóa giải lời nguyền?

Phép thuật và phù chú

 

Các thầy phù thủy khi đã đạt đến trình độ đủ để có thể thiết lập nên thần giữ của đều là những người tinh thông nho, y, lý, số,... Những kiến thức này sẽ góp phần hỗ trợ cho họ trong quá trình hành nghề. Đặc biệt trong việc trấn yểm và phù chú.

 

Theo anh N.V.T- người còn được chân truyền nghề phù thủy 7 đời của gia đình cho biết, những người làm thầy chân chính thì tuổi thọ không cao. Nguyên nhân của điều này là bởi, mỗi lần đi ra giúp người, phải dùng tới phép thuật thì đều phải rút bớt đi một phần phúc của bản thân. Người làm càng nhiều thì sự hao tổn tuổi thọ càng lớn.

 

Trước nay khó có ai thọ được 80- 90 tuổi. Mặt khác, khi theo nghề, bản thân người thầy cũng phải hi sinh nhiều thứ, nhiều khi ảnh hưởng tới cả cuộc sống gia đình. Đây là một nghề vừa hao tổn tâm sức vừa phức tạp nên bản thân anh N.V.T dù được ông nội ở làng Me - Bắc Ninh truyền cho hết kinh nghiệm và bí kíp cũng không theo nghề.

 

Hiện tại, thỉnh thoảng anh chỉ đi làm phúc cho những người quen biết và cúng cho gia đình. Anh có một cô con gái và một người vợ tảo tần, mỗi lần phải cúng ở nhà anh đều rất ngại bởi khi cúng thì nhiều khi mình phải "lên đồng". Anh tủm tỉm chia sẻ rằng mình rất sợ để con cái trông thấy điệu bộ đó.

 

Ngày còn bé, anh T chủ yếu sống với ông nội. Bố và các cô chú của anh không ai theo nghề. Đến khi ông nội cảm thấy sắp đến ngày giới hạn của mình mới đem toàn bộ những gì có được ra để dạy cho cháu. Hiện nay ở Bắc Ninh, Quảng Ninh vẫn còn những cụ hiếm hoi 70- 80 tuổi còn giữ được bí quyết và trình tự thực hiện.

 

Về bùa chú trong việc lập thần giữ của: Đây cũng là một dạng trấn yểm. Khi thầy pháp đứng ra, nhân danh một vị thần, một vị quan nào đó trên trời để thực hiện nhiệm vụ của mình thì phải nhờ tới các âm binh. Họ sẽ điều khiển âm binh theo các lá bùa.

 

Một ví dụ rõ ràng nhất về phép thuật có thể thấy ở việc chiêu hồn. Khi đã có đầy đủ các lễ vật, xướng danh, thầy pháp sẽ gieo tiền để xin trên cho hồn được về? Nếu cành phan và tàu chuối dựng gần đó đột nhiên phe phẩy mà trời không có gió thì là hồn về. Có những điều tạm thời chưa thể lý giải được bằng khoa học, con người đành phải giải thích bằng tâm linh.

 

Vẽ bùa có thể trên giấy hoặc trên không, dùng nhang, bút mực hoặc nước phép để vẽ tùy theo từng thầy pháp. Vừa vẽ bùa, thầy vừa đọc tên các vị thần, nêu lên sự thỉnh cầu của gia chủ và những lời hứa hẹn khi lời thề được xác lập.

 

Trong một kho báu thần giữ của, khi đến ngày giờ nhất định, thầy phù thủy phải chuẩn bị đầy đủ các yếu tố lễ vật, thanh tẩy cơ thể, ăn chay trường để có thể liên lạc được với thế giới bên kia. Ngoài ra thầy còn phải chuẩn bị sức khỏe tốt vì nhiều khi một buổi lễ kéo dài nhiều giờ đồng hồ.

 

Khi lập đàn tràng trước cửa hầm mộ, thầy phù thủy bắt đầu phiên cúng. Sự sắp đặt các vật thiêng như mèo đen, rắn, chum sứ, quan tài, cũng theo sự điều khiển của thầy. Cô gái được đưa vào áo quan và mất đi khả năng chống cự, thầy mới bắt đầu đọc lời chú, nguyền lên cô gái.

 

Thầy sẽ xin thần với lời giao hẹn nhờ thần canh giữ cho đến khi con cháu gia chủ tìm đến lấy được vàng thì sẽ hậu tạ thần, đến lúc đó thần sẽ được giải phóng. Bất cứ ai không có được khẩu quyết và toàn bộ các lớp chìa khóa dẫn vào sẽ bị thần trừng trị. (!?)

 

Thầy có thể dùng nước phép vẩy lên mình cô gái hoặc dán bùa lên nắp quan tài, để tác dụng của bùa được phát huy tốt nhất.

 

Có ý kiến cho rằng trong hầm mộ còn được bố trí cả những chất độc để ngăn ngừa những kẻ xâm phạm là có thật. Nhưng để duy trì sự sống cho cô gái trong vòng 100 ngày thì những chất độc đó chưa phát huy tác dụng ngay. Phải chờ một thời gian, khi không khí trong hầm có sự thay đổi, độ ẩm, nhiệt độ sẽ khiến chất độc phát huy.

 

Chính vì vậy, rất nhiều người khi đào được các kho báu, không có được cách để giải các chất độc thường mắc phải những triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, thần kinh, thậm chí dẫn đến điên loạn. Người ta thường viện cho phép thuật nhưng đó chỉ là một phần.

 

Ngoài ra các thầy phù thủy còn bố trí các lớp trấn yểm khác nhau. Có người chỉ dùng 1 hoặc 2 lớp, có người hơn, tùy theo mức độ cẩn thận và trình độ của thầy.

 

Sau khi xin trên chứng và yểm lên hầm mộ, cửa hầm sẽ được đóng lại bằng một lớp thần chú khác. Thầy phù thủy tiếp tục khóa lễ cho tới khi kết thúc, thường đến gần sáng. Xong việc, đoàn người rút quân về sau khi đã lấp lại mặt bằng gần như cũ để che mắt những người bình thường có thể xuất hiện gần đấy.

 

Giải lời nguyền để tìm kho báu?

 

Phần lớn các lễ lập thần giữ của đều được tiến hành vào ban đêm. Việc này không chỉ để tiện bề lấy ánh trăng và bóng sáng làm mốc kho báu mà còn là một kế "điệu hổ ly sơn" của các thầy phù thủy bởi đi đêm tạo nên cảm giác đi vào ma trận và là những thời điểm linh thiêng. Con cháu những người có của này về sau cũng nhờ đó mà thuận lợi hơn trong việc che mắt sự tò mò của người đời để lấy lại được kho báu.

 

Để trao đổi lại với thần và lấy lại được kho báu, họ phải chuẩn bị một lễ gồm đủ cả tiền, vàng, kim ngân coi như việc trả công cho thần. Đúng ngày giờ được ghi lại theo lời truyền của tổ tiên, họ sẽ xâm nhập vào vùng đất thiêng, vừa đi vừa lẩm nhẩm khấn báo cáo với thần về gốc gác của tổ tiên và nhiệm vụ của bản thân.

 

Họ phải đọc đúng thì thần mới cho vào khu vực cấm. Qua được một lớp khóa, khi đến chính xác nơi phải mở chiếc chìa khóa tiếp theo, họ phải đọc chính xác lời nguyền đã được trấn yểm. Nếu đọc sai, kho báu sẽ không mở ra được, thậm chí mở ra thì của cải bên trong cũng sẽ bị biến chất đi.

 

Cũng có nhiều trường hợp, gia phả của các gia đình bị thất lạc, người ngoài nếu có nguyên vẹn lời giải cũng có thể lấy được kho báu mà không bị thần trừng trị. Nếu không đầy đủ, thần sẽ đi theo bảo vệ số tài sản đó đến cùng khiến cho cửa nhà tiêu tán, con cháu cũng bị lây hậu họa.

 

Khi đã lấy được của cải trong kho rồi, lời giao ước giữa thần và người xem như chấm dứt, thần được giải phóng khỏi nhiệm vụ của mình, người cũng đã trả công xứng đáng. Pháp thuật và ảnh hưởng của thần cũng chấm dứt theo.

 

Sở dĩ, chỉ con cháu những người chôn giấu mới lấy được kho báu an toàn bởi vì chỉ họ mới có được đầy đủ lời giải, kể cả những thông tin cơ bản về chất độc và thời gian phát tác có thể khi khai quật để tránh ảnh hưởng tới bản thân...

 

Tín ngưỡng thần giữ của là một yếu tố thuộc về văn hóa cổ xưa, tồn tại trên khắp thế giới. Từ những kim tự tháp của người Ai Cập, những lăng mộ của người Maya, kho tàng của người ấn, những hầm mộ đế vương của người Trung Quốc... đều là những biểu hiện của văn hóa thần giữ của. Người Kinh trước đây tiếp kiến văn hóa với các tộc người xung quanh, với Trung Hoa, Chăm Pa, ấn Độ,... nên tín ngưỡng này rất đa dạng.

 

Việc giữ gìn của cải, báu vật nhằm mục đích bảo tồn cuộc sống và bảo tồn văn hóa cho con cháu sau này. Các động thái tinh thần để bảo vệ như tín ngưỡng, kiêng kị, huyền thoại, phù chú, trấn yểm, các động thái mang tính vật chất như không gian chôn cất, cách thức bảo vệ như bẫy, đánh lừa, thuốc độc, sẽ tạo nên một tổng thể chung linh thiêng cho thần giữ của.

 

Trên thế giới, cách thức lập thần giữ của rất phong phú tùy theo tín ngưỡng, văn hóa, tôn giáo của người bản địa. Thần có thể thuộc về giới tự nhiên, quái thạch, dị mộc, kì thú, rồng, hắn, hổ, báo, chó ngao đều có thể là thần giữ của.

 

Những thiên thần và nhân thần, trong xã hội cổ xưa, thần là phụ nữ xuất hiện nhiều hơn do phân công lao động theo giới tính. Không gian chôn giấu kho báu thường là nơi linh thiêng, ít bị phá hoại, đồng thời lại được người đời thêu dệt nên những huyền thoại xung quanh lại càng trở nên bí ẩn.

 

Thực hiện: / Nguồn: Nguoiduatin.vn