Phong tục cưới, hỏi và cách chọn ngày cưới
Qua tham khảo các tài liệu và tư liệu để lại, chưa thấy tài liệu nào mô tả về nguồn gốc và bắt nguồn của phong tục truyền thống mang ý nghĩa trọng đại của đời người này, và dân gian vẫn thường gọi là lễ ăn hỏi và lễ rước dâu. Ngày nay trong ngôn từ của đời sống thường ngày, người ta gọi lễ này là lễ cưới, hôn lễ. Trong tâm thức người Việt thì lễ cưới có giá trị cao hơn cả giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Lễ cưới của người Việt thông thường gồm các thủ tục sau:
- Lễ xin dâu/chạm ngõ
- Lễ rước dâu
- Tiệc cưới
- Lại mặt
Lễ cưới, hỏi của người Việt thường phải xem ngày tốt để tiến hành các thủ tục như ngày ăn hỏi, ngày rước dâu về nhà chồng. Trước khi cưới, hỏi các cặp vợ chồng tương lai cũng như các bậc cha mẹ hai bên cô dâu chú rể rất chú trọng xem ngày tháng cưới hỏi để cho hợp tuổi. Đây là một nét văn hoá tín ngưỡng truyền thống và lâu đời để chọn được ngày lành tháng tốt sẽ mang đến hạnh phúc, bình an và trăm năm hạnh phúc cho cô dâu, chú rể. Phương pháp sau đây giúp các bạn hiểu rõ hơn về cách chọn ngày tháng phù hợp để cưới hỏi.
Thông thường lấy can chi lịch làm cơ sở, kết hợp thêm với Ngũ hành, Cửu tinh, Bát quái,… để tính toán, từ đó chọn ra ngày thích hợp, tìm lành tránh dữ. Dựa vào ngày thích hợp, rồi cân nhắc đến ngày tháng năm sinh của đôi uyên ương để tìm ngày thích hợp:
- Ngày có nhiều cát tinh tốt với hôn nhân: Thiên đức, Nguyệt đức, Nguyệt ân, Tam hợp, Thiên hỷ, Lục hợp,… Ngày trực Bình, trực Định, trực Thành, trực Thâu
- Ngày Hoàng đạo: là ngày có xuất hiện một trong 6 vị thần là Thanh Long, Kim Đường, Ngọc Đường, Tư Mệnh, Minh Đường, Kim Quỹ.
- Tiếp đến chọn ngày “Bính Dần, Đinh Mão, Bính Tý, Mậu Dần, Kỷ Mão, Bính Tuất, Mậu Tý, Canh Dần, Nhâm Dần, Quý Mão, Ất Tị”. Nếu không chọn được các ngày trên thì nếu chọn được ngày mà ngày này lại đúng ngày Bất Tương nữa thì thật là may mắn, cũng rất tốt vậy.
* Lưu ý khi cưới hỏi tránh các ngày: Tam Nương, Sát chủ, Nguyệt phá, Nguyệt sát, Nguyệt kỵ, Thiên hình, Ly sào, Cô quả,… Ngày trực Kiến, trực Phá, trực Nguy.