Thờ cúng như thế nào cho đúng ?

Thờ cúng như thế nào cho đúng ?

Bài này dành cho các gia đình không là đệ tử chay tịnh của Phật. Năm ngoái khi ba tôi hiển linh, đã có nhắc nhở con cháu rằng: “Các con đã không là đệ tử cửa Phật thực thụ (nghĩa là không phải người tu hành), thì khi cúng khấn, câu đầu tiên các con phải kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ nước Việt; sau đó kinh lạy các vị Việt Nam Thánh Quốc mới là phải đạo, còn việc nam mô...hãy để khi đi lễ chùa”. Đó là ba tôi nói vậy bởi ông có chí khí của một vị tướng lĩnh, nhưng trong lịch sử Việt Nam, từng có những vị trước và sau khi đăng ngôi, từng là đệ tử của chay tịnh, vậy thì việc “Nam mô a di đà…” cũng không có gì lỗi đạo cho lắm. Tuy nhiên, việc khấn vái phải theo trật tự trên dưới rõ ràng. Phật có nguồn gốc từ con người, cho nên dù có phép thần thông quảng đại đi chăng nữa, thì cũng không ngoài vòng cương tỏa của Trời - Đất. Vậy thì khi khấn vái phải lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ trước, rồi mới đến Phật. Tham khảo các bài sớ cúng của các dòng họ, tôi thấy các cụ xưa cũng thường theo trật tự: Chư Thiên – Chư Địa – chư Thần – Chư Phật - Chư thánh – Thành hoàng làng – Gia Tiên, không phải như con cháu bây giờ để Phật lên trước trời đất? Ví dụ: Con sám hối lạy chín phương trời, năm phương đất, chư Phật mười phương chẳng hạn…

 

 

Quay lại vấn đề chính đã nêu ra ở trên, để thờ cúng trong nhà bà con cần chuẩn bị những gì? - Xin thưa chúng ta cần:

 

1.      Rường thờ

2.      Hương án

3.      Bài vị

4.      Bát hương

5.      Hoành phi

6.      Đối liễn

7.      Lễ vật (hương, đăng, hoa, quả, nước)

8.      Sớ cúng

 

Và tôi sẽ giải thích ý nghĩa, phương cách thực hiện từng mục trên như sau:

 

1.      Rường thờ: có nơi gọi là giường thờ, gọi là giường thờ vì giường thờ vốn có mành hoặc rèm che, là nơi nghỉ ngơi của linh hồn tiên tổ. Nhưng vì giường là thứ dành cho người phàm tục, sợ phạm húy với tổ tiên, nên nhân dân gọi chệch thành “rường” chỉ khi cần thắp hương mới vén rèm lên. Khi xong rồi thì phải kéo rèm che kín lại không cho khách khứa nhìn thấy hương án, ngoại trừ ba ngày tết.

 

Phía trước cửa rường thờ, hai bên là hai câu đối, bên trên cùng là hoành phi, bên trong là hương án (bàn thờ), rường thờ được chia làm hai bậc cao thấp, trái phải, bên trái cao hơn một chút thờ ngũ vị tài thần, bên phải thấp hơn một chút thờ gia tiên; Hoặc phía sau cao hơn thờ tài thần, phía trước thấp hơn thờ gia tiên.

 

2.      Hương án (香案): “Án” là cái bàn, “hương án” là cái bàn để bày lễ vật thắp hương, nhân dân gọi nôm na là bàn thờ. Hiện nay các nhà ít khi có mành che nên có thể nói là không còn rường thờ mà chỉ có bàn thờ (hương án).

 

3.      Bài vị (簰位)

“Bài” là cái thẻ bằng gỗ mỏng hay bằng giấy cứng có viết chữ trên đó. “Vị” là chỗ đứng. “Bài vị” còn được gọi là “Thần chủ”, là một tấm thẻ, trên đó có ghi đầy đủ tên họ người chết, năm sinh, ngày chết, chức tước, quê quán, dùng để tế lễ và thờ phụng.

 

Cách viết chữ lên bài vị:

-         Chức danh của vị gia tiên được thờ phụng, ví dụ: Cao tổ khảo (kị), hoặc Tằng tổ khảo (cụ), Tổ khảo (ông); Hiền khảo (cha)

-         Chức tước và công danh (nếu có) của vị gia tiên được thờ phụng;

-         Tuổi thọ: nếu từ 60 tuổi đổ lại thì ghi hưởng dương, từ 61 trở lên mới ghi hưởng thọ

-         Vai vế trong dòng họ: Con trưởng thì ghi họ rồi thêm “mạnh công”, nếu là con thứ thì ghi họ rồi thêm “quý công”, sau đó mới tên huý của vị gia tiên.

 

Ví dụ:

-         Hiền khảo / tiền đảng viên ĐCSVN-Đại tá quân đội nhân dân VN – Liệt sĩ chống Mỹ - Huân chương chiến công hạng nhất / hưởng dương ngụ tứ tuần Trần Mạnh Công tự Văn An phủ quân 1915 – 1968);

Xem thêm ở bài: “Cấu trúc thờ cúng trong nhà thờ họ và tổ chức tề lễ

 

4.      Bát hương: Phương pháp làm bát hương hiện nay trong nhân dân thường phụ thuộc vào thầy cúng, hoặc thầy chùa. Có người nói sau khi làm bát hương phải được thầy chùa đem “Mật tông kinh” cầu nguyện làm phép mới linh, tôi e là không phải đối với những gia đình không là đệ tử cửa Phật?

 

Còn thầy cúng thì chẳng ai có thể kiểm nghiệm nổi thần thông quảng đại của thầy ở mức nào, mà chỉ thấy bát hương đắt đỏ thôi rồi, cho nên nhiều gia đình cũng than vãn “tiền mất tật mang”. Bởi vậy tôi mạnh dạn đưa lên đây phương pháp sắm sanh bát hương, ai tin tôi cứ theo mà làm. Thiết nghĩ, đạo nghĩa đã dạy việc thờ cúng phải làm theo tiếng gọi từ lương tâm, linh hồn có thể xâm nhập được vào trong trí não của mình để lắng nghe hư thực, nên có thờ ắt có thiêng mà không nhất thiết phải có “Mật tông kinh”. Chỉ cần ấn định danh phận cho vị gia tiên muốn thờ trong bát hương là đủ, cách làm bát hương như sau:

 

Chọn mua bát hương: Tuỳ theo khả năng tài chính có thể chọn đồ gốm hoặc đồ đồng. chữ khắc trên bát hương nên chọn chữ “Phước”. Hình con vật nên chọn một cặp rồng - phượng cùng châu vào biểu tượng của thái cực (vòng tròn âm dương). Chọn như vậy thì âm dương mới hài hoà, mới hỗ trợ cho sự sinh tồn vững bền của dòng tộc. Nếu bát hương chưa có biểu tượng âm dương thì vẽ nó lên giấy rồi dán bên dưới bát hương. Bát hương mua về phải rửa sạch bằng nước thơm ngũ vị hương (có bán tại tiệm bán bát hương), lau khô;

 

Bỏ gì vào trong bát hương?

-         Thần sa, chu sa: theo quan niệm của người xưa, thần sa, chu sa có khả năng từ tà khí, nghĩa là bát hương thỉnh cho vị gia tiên nào thì vị gia tiên đó hiển nhiên là chính khí hiển linh, tà khí không vào phá bát hương được. Thần sa, chu sa bà con có thể tìm đến tiệm thuốc đông y để mua, tuy nhiên tuyệt đối không được bỏ nhiều, mỗi bát hương chỉ khoảng 1 – 2gr

-         Tro: Dùng rơm sạch để đốt lấy tro, ở thành phố không có rơm thì mua thật nhiều hương về đốt lấy tro.

-         Một chùm tua rua ngũ sắc nhỏ kết bằng 5 sợi chỉ năm màu;

-         "Ngũ Lộ Thần tài":gồm hai tờ tiền màu đỏ có số 5 (một tờ tiền âm phủ có số 5 và một tờ  tiền dương VND)

-         Một tờ giấy mộc nhuộm đỏ viết nội dung giống như trên bài vị, nếu vị gia tiên được thờ phụng có mộ thì tốt nhất xin một chút đất mộ và rút ba chân hương ở mộ rước về càng linh; Nếu là bát hương chung thì lập danh sách tất cả những người muốn thờ cũng theo nội dung bài vị, hoặc ghi chung “Gia tộc hoặc chi tộc…(họ: Nguyễn Văn, Lê Huy…) bài vị linh thần”, rồi ghi thêm “Phúc lộc tho toàn”;

-         Đối với “thất bảo”, tôi chỉ thấy ở miền Nam ảnh hưởng của đạo Cao Đài, còn như Xứ Nghệ An thì không có món này.

 

Gấp tiền, giấy bài vị cho vuông vắn lại, rồi dùng một mảnh giấy trang kim (giấy kẽm tráng kim tuyến vàng) gói tất cả các thứ: đất mộ, tiền, chỉ ngũ sắc, giấy bài vị, thần sa, chu sa tán bột mịn để vào, gói tờ giấy trang kim lại cho vuông vắn, để xuống dưới đáy bát hương, sau đó mới đổ tro lên cho đầy. Cắm 3 cội hương rước tứ ngoài mộ về, lau sạch bên ngoài và để trang nghiêm lên hương án, phía trước bài vị.

 

Chú ý: bát hương mỗi khi được định vị trên hương án rồi thì kiêng kỵ bị xê dịch vị trí, gia đạo sẽ gặp chuyện chẳng hay. Do đó, nếu cẩn thận thì nên dùng keo hai mặt dính chặt xuống. mỗi năm chỉ được sửa sang bát hương từ sau 23 – 30 tháng chạp mà thôi.

 

Bát hương thờ ngũ vị tài thần theo phong tục thuần Việt hoàn toàn không giống với Trung Quốc,ngũ vị tài thần của Việt Nam là Hoàng thiên, Hậu thổ, là vua trời vua đất của nước Việt và ba vị tam tài Đông trù tư mệnh Táo chủ thần quân chủ về cơm no áo ấm, sức khoẻ; Thổ địa long mạch tôn thần chủ về đất đai long mạch và sự tiềm ẩn của cải sinh sôi; Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần chủ về tiền tài, thóc gạo đã thu hoạch, gặt hái về (tôi đã có nói trong bài thờ cúng táo quân).

 

Đối với bát hương thờ ngũ vị tài thần, đứng trong khuôn viên nhà mình mà nhìn ra cổng thì bên trái là long mạch, đào sâu xuống đến khi đụng phải nước, lấy một chút đất lẫn nước ở đó, cùng với một chút tro giữa lòng bếp hợp lại trộn với thần sa, chu sa rồi cũng gói vào tờ giấy trang kim với tiền âm dương, tua rua ngũ sắc mà để xuống đáy bát hương trước khi đổ tro lên cho đầy.

 

Mỗi nhà chỉ nên có 2 - 3 bát hương trên một rường thờ mà thôi:Một bát thờ ngũ vị tài thần để ở vị trí cáo nhất; Một bát thờ gia tiên gồm các bậc bề trên, Một bát thờ gia tiên các bậc ngang chức với gia chủ đổ xuống (huynh đệ, con cháu…) ; gia đình nào mà dân chủ thì lập thêm một bát thờ đàng ngoại, bát hương này để ở vị trí thấp hơn một chút so với bên nội. Tuy nhiên tôi cung nói rõ, nếu gia đình cư ngụ trên đất hương hoả của nhà nội, thì không thờ ngoại được, mà chỉ có những cặp vợ chồng tự mua đất tạo dựng cơ nghiệp thì mới có thể thờ ngoại.

 

Việc lập bát hương thờ phụng phải chọn ngày lành tháng tốt. Có nhiều cách để chọn ngày, nhưng kinh nghiệm của tôi thì lấy ngũ hành tương khắc tương sinh làm trọng. Trước hết bà con căn cứ vào ngũ hành để chọn ngày sinh nhập cho gia chủ. Ví dụ gia chủ mạng kim thì chọn ngày thổ, gia chủ mạng thổ thì chọn ngày hoả, gia chủ mạng hoả thì chọn ngày mộc. Chọn ngũ hành thôi chưa đủ, ngày ngũ hành đó còn phải là ngày có ngôi sao hoàng đạo, riêng đối với việc lập bát hương thờ phụng này ta nên chọn ngày / giờ có ngôi sao Tư mệnh chủ về sự phúc đức để khởi sự sẽ được phúc đức lâu bền. Đặc biệt việc khởi tạo thờ phụng mà vòng định sinh của gia chủ rơi vào cung phúc đức hay thiên y thì sự linh thiêng sẽ tăng gấp bội.

 

5.      Hoành phi:  là vật trang trí bên ngoài cho thêm phần trang trọng, cho nên có thì đẹp đẽ hơn lên, còn như chưa có điều kiện thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc thờ cúng cả, đối liễn cũng vậy. Hoành phi còn gọi là “biển”, “bức hoành”, vốn là một bức thư họa. thay vì đối liễn được viết dọc, thì hoành phi được viết ngang, dạng như một câu khẩu hiệu ngắn khoảng 3 – 5 chữ treo ở phòng khách, nhà thờ…Thông thường hoành phi trang trí ngang bên trên, còn hai câu đối được treo dựng hai bên, ví dụ bức hoành phi dưới đây được treo ở bàn thờ gia tiên, hoặc ở nhà thờ tổ:

 

光留德

Đức lưu quang

(Đức độ tỏa sáng)

 

6.      Đối liễn: Hay còn gọi là câu “đối liên” là những câu chữ Hán hay chữ Nôm, có nơi dùng chữ quốc ngữ viết từng cặp dọc đi đôi, và ý nghĩa cũng đi đôi, thể hiện trên chất liệu vải, gỗ, hoặc giấy, ví dụ như một số câu đối sau đây:

 

Mộc xuất thiên chi do hữu bản

Thủy lưu vạn phái tổ tùng nguyên

(Cây chung ngàn nhánh sinh từ gốc

Nước chảy muôn dòng phát tại nguồn)

 

Hoặc là:

Nhật nguyệt quang chiếu thập phương

Tổ tông lưu thùy vạn tuế

(Vầng nhật nguyệt mười phương rạng rỡ

Đức Tổ Tông muôn thuở sáng ngời)

 

Ái Quốc mạc vọng Tổ

Nhân dân tiên mục thân

(Yêu nước chớ nên quên Tổ tiên

Thương dân trước phải hòa thân thích)

7.      Lễ vật:

-         Thứ bắt buộc phải có khi thắp hương : Hương – đăng (đèn) – hoa – ngũ quả - nước (5 chén + một bình)

-         Vàng tiền thì cúng đốt vào các dịp trọng đại như tết, giỗ, ngoài ra thì rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng mười. Khi cúng tiền vàng, phải ghi rõ tên của vị gia tiên được hưởng lộc trước khi hoá vàng.

-         Đối với cỗ mặn, to nhỏ tuỳ tâm và tuỳ khả năng tài chính của gia chủ, nhưng chỉ nên bày lên mâm, đặt lên một cái bàn riêng rẽ để phía trước bàn thờ với đầy đủ bát, đũa, thìa, muỗng, chén uống rượu như thể dọn mâm tiệc đãi khách. Chờ cho cháy hết 2/3 chân hương thì con cháu được phép phá cỗ.

 

8.      Sớ cúng: Tôi có xem dăm ba cái sớ cúng của các dòng họ ở Nghệ Tĩnh, Tất cả đều một phom mẫu như nhau nội dung thế này:

 

 

Sớ Khấn lạy Trời Phật Thần Thánh

(mẫu)

 

Duy!

Việt Nam Cộng Sản Hoàng Triều

Quý Tỵ Niên tuế,  Đinh Mùi nguyệt (tháng), ……Nhật (ngày), …..Khắc (giờ)….

… tỉnh, … huyện, … phố,…(số nhà)…cư gia (nếu ở Từ đường thì đọc …(họ)…Từ đường gia tộc)

 

Con kính lạy Việt Nam Hoàng thiên Hậu thổ (một vái)

Con kính lạy! Chín phương Trời, năm phương Đất, Chư Phật mười phương (một vái)

Con kính lạy Quan … đương niên … hành khiển … phán quan…(xem thêm các năm khác ở phần phụ lục 1)  …………….. (một  vái)

Con kính lạy! Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân - Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần - Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần (một vái)

Con kính lạy các Chư vị tôn thần cai quản lãnh thổ …(tên địa phương)…

Con kính lạy các Chư vị Việt Nam Thánh Quốc

Con kính lạy Thành hoàng làng…

 

Tín chủ con là:

….  và gia quyến, cùng nhất tâm cúi lạy Chư Thiên, Chư Phật, Chư Thần, Chư Thánh;

 

Cúi lạy Thành hoàng bản thổ đại vương thần thánh gia ân, cho phép gia quyến chúng con được mời Tổ tiên của chúng con về tại địa chỉ: … tỉnh, … huyện, … phố,…(số nhà)…cư gia (nếu ở Từ đường thì đọc Lê Văn Từ đường gia tộc) để bàn bạc việc gia đình đại sự là …

 

Lòng thành lễ mọn, hương đăng, hoa quả, trà rượu, thanh tước chi nghi, dâng bày ra trước hương án, kính cẩn lạy dâng, kính cáo chư vị linh thần, cúi mong soi xét cho chúng con được thể theo sở nguyện. Đồng thời cúi xin linh thiêng phù hộ độ trì cho chúng con khởi sự dược hanh thông mọi bề, phúc đức an lành, gia đạo vẹn toàn như ý.

 

Cẩn cáo ! (Ba lạy)

 

Sớ khấn gia tiên

(Mẫu: Sau khi khấn Trời Phật Thần Thánh)

 

Cận di phỉ lệ chi nghi cảm kính cáo vu:

(Hoặc nói theo Quốc Ngữ: Hương đăng hoa quả thanh tước chi nghi lên trước linh đài kính cẩn báo cáo!)

-         Tằng Tổ khảo Tiền hương trung kỳ lão Lê (Nguyễn/Võ/Trần…) mạnh công (nếu là con thứ thì đề là Lê quý công)…(tên đệm và tên húy cố nội)…thụy chất trực phủ quân

-         Tằng Tổ tỉ y phu chức Lê mạnh công chính thất…(họ tên của Bà cố nội)…từ thuận phu nhân

-         Nội Tổ khảo Tiền hương trung kỳ lão Lê mạnh công (nếu là con thứ thì đề là Lê quý công)…(tên đệm và tên húy ông nội)…thụy chất trực phủ quân

-         Tằng Tổ tỉ y phu chức Lê mạnh công chính thất…(họ tên của Bà nội)…từ thuận phu nhân

-         Nội Tổ khảo Tiền hương trung kỳ lão Lê mạnh công (nếu là con thứ thì đề là Lê quý công)…(tên đệm và tên húy ông nội)…thụy chất trực phủ quân

-         Hiền khảo (cha) ….xướng như trên bài vị….

-         Hiền tỉ (mẹ)… xướng như trên bài vị

 

Hậu duệ con là Lê/Nguyễn/Bùi quý công … (tên đệm và tên chủ nhà)…cùng toàn thể gia quyến. Nay nhân …( lý do cúng: giỗ / rằm…)…

 

Cây có cội, nước có nguồn, ơn Tiên Tổ vun trồng công đức.

Lòng thành lễ mọn, hương, đăng, hoa, quả, thanh tước chi nghi, dâng bày ra trước hương án, kính cẩn lạy dâng. Cúi xin các Vị Cao, Tằng, Tổ, Khảo / Cao, Tằng, Tổ, Tỉ, cùng các vị Đường Bá (bác), Đường Thúc (chú), Đường Cô (cô), Bào Huynh (anh trai), Bào Đệ (em trai)… chứng giám lòng thành, âm phù dương trợ, sở nguyện tòng tâm, cho phép tín chủ được cử hành lễ …

 

Muôn vàn đội ơn Gia tiên linh thiêng phù hộ độ trì cho hậu duệ cháu con được muôn đời Tấn phúc, tấn lộc, tấn tài, tấn bình an, gia đạo vạn sự vẹn toàn như ý!

 

Cẩn cáo !

 

9.      Ai thì được thờ ai? Tôi đã có bài về tại sao người Việt Nam nhận mình là con của Rồng, nhân đây tôi cũng nói luôn vì sao chúng ta lại là cháu tiên?

 

Chúng tai ai mà không thường được nghe hàng ngày hai chữ “gia tiên”. Vậy thì thiết nghĩ cũng nên có kiến thức hiểu biết xem “tiên” là ai?

 

Tiên của người Việt không phải là các tiên nữ ở trên thượng đế. Người Việt gọi chức danh của những người đã khuất trong bài sớ như sau:

 

-         Cha/mẹ thì gọi là hiền khảo/hiền tỉ

-         Ông/bà thì gọi là tổ khảo/tổ tỉ

-         Cụ thì gọi là tằng tổ khảo/tằng tổ tỉ

-         Kị thì gọi là cao tổ khảo/cao tổ tỉ

-        Và từ vị thân sinh của cao tổ khảo đồ về trước đến đời thứ 2 được gọi là tiên tổ khảo

-         Đời thứ nhất gọi là thuỷ tổ

 

Như vậy thì đã rõ tiên là ai, và tập quán người Việt quy định cấp bậc được phép thờ phụng tiên tổ như sau:

 

-         Trưởng tộc: phải thờ tất cả từ thuỷ  tổ - tiên tổ - cao - tằng - tổ - khảo đổ xuống,

-         Trưởng chi họ: phải thờ 4 đời  gồm : Cao tổ  - tằng tổ - tổ - khảo (cao tổ được lên tiên khi trong chi họ có thế hệ thờ cúng mới, ví dụ khảo chết thì con trưởng đảm nhiệm ngôi vị thờ cúng, lúc đó Cao tổ khảo được rước bài vị sang nhà thờ tộc để làm lễ lên tiên. Nếu dòng họ nào chưa có nơi thờ tự dòng tộc chính thống, thì bài vị tiên tổ được xếp cất vào một hòm gỗ không tiếp tục thờ phụng nữa);

-         Con trưởng trong gia đình thì thờ 3 đời: Tằng – tổ - khảo

-         Con thứ trong gia đình thì chỉ thờ khảo, hoặc tổ - khảo mà thôi

 

Như vậy là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ giới thiệu về phương pháp thờ cúng trong gia đình. Hy vọng ai đã quan tâm thì nên đọc cho kỹ, hiểu cho thấu đáo để thờ phụng cho đúng ý nghĩa, thoát khỏi sự u mê của các thầy cúng bày trò dị đoan lừa tiền dân chúng. Tu tâm mà giữ lấy cái chân thiện mỹ, cái phước đức lâu bền cho gia đình, cho dòng họ được hưng thịnh muôn đời.

 

Theo Phlanhoa