Có mấy loại con nuôi?
Có ba loại con nuôi: Con nuôi chính thức, con nuôi danh nghĩa và con nuôi giả vờ.
Con nuôi chính thức: Có hai loại :
- Con lập tự : Gia đình không có con trai, nuôi con anh em ruột hoặc con anh em chú bác ruột. Có thể nuôi từ bé, hoặc lớn rồi mới nuôi, thậm chí có người đã thành gia thất, có con rồi mới nhận làm con nuôi. Người con nuôi lập tự đó chịu trách nhiệm săn sóc, nuôi dưỡng cha mẹ nuôi lúc tuổi già và hương khói tang tế sau khi mất, nên khi được hưởng quyền thừa kế gia tài hơn cả những người con gái do chính cha mẹ sinh ra, vì con gái là "con người ta", sau khi gả chồng lo cơ nghiệp nhà chồng. Con nuôi lập tự được hưởng ruộng hương hoả nếu cha nuôi là tộc trưởng, được họ hàng chấp nhận là cùng huyết thống nội thân. Nếu người con nuôi lập tự là con thứ của ông em thì con người con trưởng của ông em vẫn phải gọi người con nuôi lập tự đó bằng bác (đáng lẽ gọi là chú) . Khi cha mẹ nuôi chết, tang chế của vợ chồng người lập tự cũng ba năm như cha mẹ đẻ. Trường hợp cha mẹ chết trước, phải xin phép cha mẹ nuôi mới được về chịu tang, nhưng không được phép mặc áo khâu gấu, khăn ngang không được để hai giải bằng nhau. Khi cha mẹ nuôi đã sinh con trai thì thôi quyền lập tự nhưng vẫn là con nuôi được hưởng quyền thừa kế như các người con khác.
- Con nuôi hạ phóng tử: Có mấy trường hợp:
+ Con hoang thai nuôi từ lúc mới sinh. Có nhà hiếm hoi dặn từ trước, khi sinh nở thì đón về, sản phụ được bồi dướng một ít tiền và sau đó không được quyền nhận hay thăm con.
+ Con mồ côi hay con nhà nghèo khó, đem về nuôi là phúc, mặc dầu không hiếm hoi. Nếu nuôi thực sự từ lúc còn nhỏ cũng được hưởng mọi quyền lợi trong gia đình. Cha mẹ nuôi cũng có trách nhiệm dựng vợ gả chồng, sống nuôi chết chôn, cũng được cha mẹ nuôi chia cho một phần gia tài khi ra ở riêng. Trường hợp cha mẹ nuôi không có con trai cũng có thể lập người con này làm thừa tự, song không được can dự vào phần hương hoả, tự điền cũng như việc họ, bởi lẽ khác dòng máu, không được họ chấp nhận. Tang chế đối với cha mẹ nuôi cũng ba năm như cha mẹ đẻ, đối với anh em nuôi cũng một năm như anh em ruột, nhưng đối với họ hàng bên bố mẹ nuôi thì không tang. Trừ một trường hợp con nuôi đã mang họ của bố nuôi, không biết bố đẻ (hoang thai) và đã được họ hàng chấp nhận thì mọi lễ nghi hiếu hỷ, tang chế đều như người trong họ, song vẫn không được hưởng hương hoả, tự điền. Nếu bố nuôi là tộc trưởng vẫn không được kế thế tộc trưởng mà vai trò tộc trưởng thuộc con trai trưởng của chú em.
Theo phong tục một số địa phương "vô nam dụng nữ" thì người con rể cũng có quyền lợi và nghĩa vụ như con nuôi hạ phóng tử nói trên, nhưng chỉ để tang bố mẹ vợ một năm, anh em ruột của vợ chín tháng, ngoài ra không để tang cho ai bên nhà vợ. Lập tự chỉ lập tự cho cháu ngoại, không lập tự cho con rể. Cháu ngoại cũng không được làm tộc trưởng (như trên).
Con nuôi danh nghĩa: Có mấy trường hợp:
- Nhà hiếm con qua mâý lần tảo sa, tảo lạc, hữu sinh, vô dưỡng, hoặc theo số tử vi lỗi giờ sinh, xung khắc với cha mẹ nên phải bán làm con nuôi cho dễ nuôi. Khi sinh nở xong bố đẻ sẵn một chai rượu, cơi trầu đến nhà bố nuôi, làm lễ gia tiên bên bố nuôi xin cho ghé cửa nương nhờ, sau đó mời bố mẹ nuôi đến nhà xem mặt đứa trẻ và nhường quyền cho bố nuôi đặt tên cho đứa bé. Sau này khi lớn lên thì mồng 5 (đoang ngọ) ngày Tết dắt đứa bé đến tết nhà bố mẹ nuôi. Đứa bé cũng xếp theo vị trí anh em ruột một nhà theo quan hệ lứa tuổi. Sau này lớn lên, trong huyết thống ba đời anh em cháu cháu không được quyền lấy nhau. Nếu vi phạm cũng coi như mắc tội loại luân. Chọn Bố mẹ nuôi thì chọn gia đình phúc hậu, lắm con nhiều cháu, làm ăn thịnh vượng.
- Do cảm ân đức, nghĩa tình nhận làm con nuôi.
- Anh em kết nghĩa với nhau thân tình, nhận bố mẹ của anh em cũng như bố mẹ của mình và ngược lại bố mẹ cũng nhận người anh em kết nghĩa với con mình như con cái trong nhà.
Trong những trường hợp đó, người Việt thì gọi chung là con nuôi, bố mẹ nuôi nhưng âm Hán gọi là "nghĩa phụ nghia tử" khác với "nghĩa phụ tử", tang chế không quy định cho trường hợp "dưỡng phụ dưỡng tử", nếu có gả con cho nhau thì càng tốt đẹp "thân thượng gia thân".
Con nuôi giả vờ: Vì con khó nuôi, sợ ma ta quấy nhiễu người mẹ đem con bỏ đường bỏ chợ, nhưng dặn trước người trực sẵn đưa về nuôi, sau vài giờ hoặc vài ngày đến chuộc nhận làm con nuôi. Đây là cách đánh tráo con đẻ thành con nuôi, con nuôi là con đẻ để lừa ma. Trường hợp này đành rằng phải thông cảm y ước trước, nhưng cũng phải chọn người mắn đẻ, con không sài đẹn, nuôi súc vật mát tay...
Ngoài ba loại con nuôi dương trần nói trên, còn có tục "bán khoán" con cho thần linh như bán con cho Đức Thánh Trần, Đức thánh Mẫu... Đã là con thần thánh, có tấu, có sớ, có bùa, có dấu ấn hẳn hỏi thì mà quỷ không dám bén mảng đến đã đành mà bố mẹ nuôi con cũng phải đặc biệt chú ý: Không cho con ăn uống những thứ uế tạp, phải mặc đồ sạch sẽ, không được vá chằng vá đụp, không để con bò lê la, không được chửi rủa xỉ vả con, sợ ngài gọi về trời. Con chỉ được gọi cha đẻ bằng thầy, bằng cậu... Gọi mẹ bằng mợ, bằng chị, bằng u, bằng đẻ. Hai từ "Cha, mẹ" chỉ được tôn xưng với thần thánh. Bán cho Đức Thánh Trần chỉ được xưng họ Trần khi khấn vái, bán cho phật phải xưng Mầu, nhưng bán cho đức thánh mẫu là Liễu Hạnh không phải đổi họ. Sở dĩ gọi là "bán khoán" vì chỉ bán thời gian còn nhỏ để dễ nuôi. Đến tuổi 13 tuổi tức hết tuổi đồng ấu, đến tuổi vào sổ làng xã thì làm lễ xin chuộc về.
Chính thể mới hiện nay công nhận con nuôi cũng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang con đẻ, đó là con nuôi thực sự được chính quyền địa phương công nhận trên cơ sở thoả thuận giữa người nuôi và người đẻ hoặc giữa người nuôi và thân nhân đỡ đầu trong trường hợp bố mẹ đẻ không còn.
Đứa bé đếm tuổi thiếu niên cũng được quyền tự nguyện xin làm con nuôi, chọn bố mẹ nuôi. Bố mẹ nuôi có thể nuôi nhiều con tuỳ theo khả năng, nhưng không thể nhận làm con nuôi của nhiều gia đình. Tuổi bố mẹ nuôi phải cao hơn tuổi con nuôi ít nhất 20 tuổi.