Độc nhãn long - ở Cổ Loa thành vẫn là ẩn số?

Độc nhãn long - ở Cổ Loa thành vẫn là ẩn số?

Nhiều cuộc khai quật đã được tiến hành nhưng chưa có lời giải đáp cho hiện tượng cùng một địa hình mà hai hố đất gần nhau ở Khu di tích thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) một có nước một không, nên niềm tin về con mắt của “độc long nhãn” trong truyền thuyết xưa càng được củng cố.

 

Từ lúc được phát hiện tới nay, hai hố vẫn được cho là mắt rồng ở thành Cổ Loa (Đông Anh (Hà Nội), một vẫn đầy ắp nước bất kể mùa hạn hay mùa khô, một luôn khô cạn ngay cả những hôm trời mưa như trút.

Cuộc tranh hùng của 9 con rồng

“Hai mắt rồng” nằm ở khu vực đền Thượng - nơi tẩm cung của Thục phán An Dương Vương của Khu di tích Cổ Loa. Nhìn từ trên cao, đền Thượng dường như được đặt giữa trán rồng, phía trước có hai hố mắt, miệng là hồ bán nguyệt há ngậm viên ngọc - giếng nước nằm trong lòng hồ này.

Truyền thuyết xưa kể rằng, thời An Dương Vương đã có một cuộc tranh hùng dữ dội của 9 con rồng - Cửu long tranh châu (chín con rồng tranh một hòn ngọc). Đây cũng chính là tiền thân của truyền thuyết về "độc nhãn long".

Truyện rằng, khi An Dương Vương lệnh cho các thầy địa lý tìm khắp cõi Âu Lạc xem đâu có thế đất thịnh vượng để dựng kinh đô. Sau hàng tháng trời tìm kiếm, các thầy báo về có một nơi được coi là đỉnh của vùng tam giác châu thổ sông Hồng, là vị trí đắc địa bởi từ đây, có thể khống chế một vùng rộng lớn cả đồng bằng lẫn sơn địa. Đó chính là Cổ Loa. Khi quyết định rời đô từ Phong Châu (Lâm Thao - Phú Thọ) về, đoàn thuyền của vua chứng kiến cảnh chín con rồng quần thảo một hòn ngọc lớn. Vua cho đấy là điểm lành nên chọn đúng nơi mà chín con rồng quần thảo để xây chính điện - đền Thượng bây giờ.

Trong cuộc giao long, một con rồng khỏe nhất chiếm lĩnh được hòn ngọc và ngậm vào mồm. Nhưng nó cũng bị hỏng một mắt sau cuộc chiến đó. Cũng có lời kể rằng, chính An Dương Vương đã dùng bảo kiếm của mình chọc thủng mắt rồng để quy phục bản tính hung dữ của nó. Sau đó, vua cho dựng chính điện trên đầu rồng.

Kỳ lạ con mắt phải

Thành Cổ Loa vốn tọa lạc trên nền địa chất khô và cứng vì thế phải đào sâu xuống khoảng 30-40m mới có nước. Thế nhưng, ở hai hố mắt trước cửa đền Thượng, với độ sâu chừng 2m, hố bên phải luôn đầy ắp nước là hiện tượng rất lạ.

Trước đây, Ban quan lý khu di tích thành Cổ Loa cũng vài ba lần tiến hành việc nạo vét lòng hồ bán nguyệt và hố đất bên phải nhưng không thực hiện được bởi khi đào được vài chục phân đất gặp ngay một mạch nước ở giữa giếng ngọc phun lên dữ dội.

Lý giải hiện tượng này, nhiều người đã đưa ra giả thuyết, người xưa khi xây dựng đền đã dựa vào địa thế địa hình thực tế. Việc tạo hai hố mắt trong khuôn viên của đền Thượng cũng tương tự. Hai hố mắt đó là có sẵn, chỉ việc khoét tạo hình cho hai hố đó cân xứng. Việc hố bên phải có nước, còn hố bên trái không có cũng rất tự nhiên, không hề có bàn tay can thiệp của con người.

Lại có người cho rằng, có thể những thợ xây dựng đền xưa đã áp dụng một công nghệ nào đó để tạo, dẫn và cân bằng mực nước trong hố mắt phải với mực nước bên hồ bán nguyệt phía trước cửa đền… Tuy nhiên, những giả thuyết này vẫn chưa thực sự thuyết phục.

Truyền thuyết về “rồng một mắt” càng có căn cứ khi gần đây các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản phối hợp tiến hành khai quật hố mắt bên phải, phát hiện một khối hình cầu màu đỏ giống quả cầu mây. Khối hình cầu này có đáy, tường bao quanh khum vào bên trong, có lỗ thông ra hai bên, phía trong “mắt” phải rồng có một lò nung nhỏ ở chính giữa. Niên đại của “con ngươi” mắt rồng đến nay chưa được xác định. Lạ kỳ hơn là dù đào sâu xuống bên dưới thì đoàn khảo cổ cũng không tìm được bất kỳ mạch nước hay “công nghệ” dẫn nước nào vào bên trong con mắt này.

Chính vì những lý do trên mà hiện nay, người dân vẫn tin rằng đây chính là đôi mắt của “độc long nhãn” và hằng ngày vẫn có nhiều người đến đây lấy nước về chữa bệnh và cầu may.