Hội thi thả chim

Chim Bồ câu là biểu tượng cho hoà bình - tự do nên thường được gọi là chim Hoà bình. Dựa vào những đặc tính ấy của chim; từ lâu, ông cha ta đã sáng tạo ra một lối chơi dân gian tao nhã: thi thả chim bồ câu. Tương truyền, thú chơi này xuất hiện từ thời Lý.

Bồ câu là loài chim có khả năng định hướng tốt, dù xa nhà cũng tìm được về tổ ấm trừ khi gặp gió bão, chúng có tính hợp quần cao, sống theo đàn, chung thuỷ và nghĩa tình.

Hàng năm có đến hàng chục hội thi thả chim câu thường được tổ chức vào hai mùa: mùa hạ - từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch và mùa thu - từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch. Khu vực trung tâm hội thi thuộc vùng châu thổ sông Hồng kéo dài từ 2 bên bờ sông Ðuống đến một phần tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh (Ða Phúc, Sóc Sơn, Ðông Anh, Gia Lâm, Tiên Sơn, Yên Phong). Hội thi còn diễn ra ở một số nơi phía tây Hà Nội như: Tây Tựu, Ðan Phượng, Hoài Ðức.

Từ xưa các cụ đã định ra tiêu chuẩn thi thả chim câu bay rất nghiêm ngặt: Cả đàn bay chặt chẽ, cự ly đều, không tách rời đàn, vòng lượn hẹp và tròn, bay cao, trụ hướng thẳng đứng lên; khi mắt thường nhìn lên thấy cả đàn chụm thành một vòng tròn nhỏ không thấy vỗ cánh rồi tìm hướng bay về tổ; lúc đó đàn chim được vào "trông thượng" để xét giải.

Thú chơi chim lành mạnh thanh nhã lúc nông nhàn, hội hè đình đám, biểu tượng khát vọng của tự do, ca ngợi đức tính của đoàn kết, chung thuỷ luôn cuốn hút nhiều người ở mọi nơi, mọi lứa tuổi.