Lễ cưới hỏi của người Dao, Điện Biên
Ở tỉnh Điện Biên, dân tộc Dao (hay có nơi còn phiên âm là Dạo) sống nhiều tại địa bàn huyện Tủa Chùa, gồm 2 loại: Dao tiền và Dao quần chẹt (chặt). Nhà ở của người Dao làm theo kiểu nhà sàn hoặc nhà trệt nhưng phổ biến nhất là kiểu nhà nửa sàn nửa trệt, nơi có sàn sẽ làm chỗ ngủ với quan niệm cách rời mặt đất sạch sẽ, thoáng mát có lợi cho sức khỏe. Ngày xưa, theo truyền thống bố mẹ chọn vợ, gả chồng cho con cái không như bây giờ thanh niên nam, nữ Dao được tự do tìm hiểu, lựa chọn bạn đời. Một phong tục độc đáo của người Dao là khi không có con trai thừa kế họ sẽ chọn người con rể lấy con gái đầu thay thế và được thừa hưởng tài sản, quyền lợi bình đẳng với những người con khác. Lễ vật khi đi hỏi vợ của chàng trai Dao bao gồm 2 bi (điếu) thuốc lào, 1 đồng bạc, 2 đồng xu và 2 hào bạc. Trong truyền thống giao tiếp của người Dao, thuốc lào là thứ bắt buộc phải có, mở đầu cho cuộc nói chuyện, lời cảm ơn, xin lỗi, nhờ vả (tương tự như miếng trầu của người Kinh - “Miếng trầu là đầu câu chuyện”). Trong lễ ăn hỏi, thuốc lào là lễ vật dành cho bố mẹ vợ, khi bố mẹ cô gái đã nhận bi thuốc lào nghĩa là đã đồng ý chấp nhận chàng trai tìm hiểu con gái mình. Chàng trai sẽ đưa tiếp 2 đồng xu, 2 hào bạc để hỏi tên tuổi cô gái cũng như giới thiệu về bản thân.
Trước đây, khi diễn ra lễ ăn hỏi người Dao chia thành 3 mức giá tùy thuộc vào cấp độ giàu nghèo của nhà gái để thách cưới nhà trai: nhà giàu tương ứng với 42 lạng bạc (cân tiểu ly), trung bình: 31 lạng, nghèo: 24 lạng. Mỗi mức giá cũng tương đương với giá trị của hồi môn do nhà gái cho cô dâu mang về nhà chồng.
Ngày cưới nhà trai phải nhờ những người làm mối dắt theo một con lợn 60kg sang nhà gái nhưng không bắt buộc phải đủ trọng lượng 60kg, có thể thừa hoặc thiếu nhà gái cũng không bắt phạt nhưng không được quá 5kg. Đoàn người mối có 8 người: 5 nam, 3 nữ trong đó gồm: chủ hôn, người đối rượu, người đối hát và 2 người giúp việc. Trong đoàn người mối bắt buộc phải có 2 cô gái trẻ (chưa chồng) những người còn lại phải đã lập gia đình và hơn tuổi cô dâu chú rể. Trong lễ cưới người Dao, vui nhất là phần hát đối, hát ví giữa nhà trai và nhà gái. Họ nhà gái sẽ hát trước ví von cô gái như một công chúa cành vàng lá ngọc, nhà trai đến đây có việc gì phải xin phép những “vệ sĩ” bảo vệ bên ngoài để được gặp cha mẹ cô gái... Đại diện nhà trai khi ấy sẽ hát trả lời rằng: chàng trai là một người tài giỏi, khôn ngoan, lên rừng, xuống suối làm ăn đều thông thạo đã nhờ mối tìm hiểu cô gái và được cha mẹ cô gái chấp thuận, hôm nay đến xin phép đón về nhà làm dâu. Cuộc thi hát đối sẽ diễn ra sôi nổi trong suốt ngày cưới, người hát đối bên nhà trai không được thua, người đối rượu cũng không được kém người mời rượu bên nhà gái. Một phần sôi động không kém thi hát đối là khi nhà trai đón dâu về, bà con dân bản sẽ dùng những ống nứa nhỏ cắt bỏ 2 đầu, vót que tre làm lõi thông bên trong gọi là “tùng băng” (nghĩa là súng băng) sau đó lấy giấy thấm nước vo viên lại nhét vào làm “đạn” để bắn vào họ nhà trai. Mặc dù những “viên đạn” giấy khiến cho mình mẩy đau rát nhưng người Dao quan niệm rằng như vậy đôi trai gái mới sống vui vẻ, hòa thuận hạnh phúc đến đầu bạc răng long.