Tại sao phải cải táng?Những trường hợp nào không nên cải táng?

Chúng tôi xin trích "Việt Nam Phong tục" của Phan Kế Bính trang 39
"...Người mất, sau ba năm đoạn tang rồi hoặc một vài năm nữa thì con cái lo việc cải táng
Trước hôm cải táng làm lễ cáo từ đường. Đến hôm cải táng, lại làm lễ khấn thổ công chỗ để mả mới táng.
Trước hết khai mả, nhặt lấy xương xếp vào một cái tiếu sành, rẩy nước vang vào rồi che đậy thật kín, không cho ánh sáng mặt trời lọt vào được. Nhà phú quý thì dùng quan quách liệm như khi hung táng.
Đoạn, đem cải táng sang đất khác. Còn quan tài cũ nát thì bỏ đi, tốt thì đem về dùng hoặc làm cầu, hoặc làm chuồng trâu chuồng ngựa, để trâu ngựa đứng cho khỏi sâu chân.
Tục lại tin rằng: Hễ ai đau tức thì lấy mảnh ván thộ (mảnh ván quan tài nát) đốt lên , để gầm giường mà nằm thì khỏi đau tức.
Cải táng có nhiều cớ.
Một là vì nhà nghèo, khi cha mẹ mất, không tiền lo liệu , mua tạm một cỗ ván xấu, đợi xong ba năm thì cải táng, kẻo sợ ván hư nát thì hại đến di hài.
Hai là vì chỗ đất mối kiến, nước lụt thì cải táng.
Ba là vì, các nhà địa lý, thấy chỗ mả vô cớ mà sụt đất hoặc cây cối ở trên mả tự nhiên khô héo, hoặc trong nhà có kẻ dâm loạn điên cuồng, hoặc trong nhà đau ốm lủng củng, hoặc trong nhà có kẻ nghịch ngợm, sinh ra kiện tụng lôi thôi, thì cho là tại đất mà cải táng.
Bốn là, những người muốn cầu công danh phú quý, nhờ thầy địa lý tìm chỗ cát địa mà cải táng. Lại có người thầy nhà khác phát đạt, đem mả nhà mình táng gần vào chỗ mả nhà kia, để cầu được hưởng dư huệ.
Trong khi cải táng, tục lại có ba điều là tường thuỵ (tức là mả phát tốt đẹp) mà không cải táng.
Một là, khi đào đất thấy có con rắn vàng thì cho là long xà khí vật. Hai là, khi mở quan tài ra thấy có dây tơ hồng quấn quýt thì cho là đất kết. Ba là, hơi đất chỗ đó ấm áp, trong huyệt khô ráo không có nước hay là nước đóng giọt lại như sữa đều là tốt. Khi nào gặp như thế thì phải lập tức lấp lại ngay.