Thiền phái Trúc Lâm - sự ra đời của Phật giáo Việt Nam

Từ Thiền phái Trúc Lâm, Phật Giáo Việt Nam chính thức có tông phái riêng với tư tưởng nhập thế đạo đời không tách rời.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ thứ I trước Công nguyên và đi vào lòng dân tộc với bao thăng trầm. Tuy nhiên, chỉ đến khi xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm mà vua Trần Nhân Tông là vị tổ thứ nhất ở thế kỷ 13 thì Phật Giáo Việt Nam mới chính thức có tông phái riêng, nền tảng triết lý, hành đạo riêng với tư tưởng nhập thế đạo đời không tách rời.
Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trước Trúc lâm Yên Tử, các tông phái Phật giáo ở Việt Nam đều do người nước ngoài sáng lập, song đến Trần Nhân Tông, Phật giáo không còn là Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam, cũng không phải là Phật giáo Trung Quốc tại Việt Nam, mà là Phật giáo Việt Nam. Bước chuyển trong quá trình bản địa hóa Phật giáo chính thức được đánh dấu với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm tại Yên Tử, Quảng Ninh.
“Việc ra đời Thiền phái Trúc Lâm đã kết thúc thời kỳ các tông phái Phật giáo Việt Nam do người nước ngoài sáng lập, chứng minh Phật giáo đã thực sự bắt rễ tại Việt Nam, thực sự được người Việt đương thời tiếp thu và phát triển. Từ Yên Tử, Thiền phái Trúc Lâm đã lan tỏa ra cả nước, duy trì từ đời này sang đời khác, hòa quyện làm một với các giá trị của văn hóa Việt Nam”- GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
 Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đặt tại khu An kỳ sinh, Yên Tử.
Cách đây hơn 700 năm, vào tháng 8 năm Kỉ Hợi 1299, Hoàng đế Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh, lấy đạo hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, đánh dấu sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Kể từ đó, Thiền phái này phát triển lên đỉnh cao với ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang gọi chung là Trúc lâm Tam Tổ. Với việc lập ra phái Trúc Lâm, Hoàng đế Trần Nhân Tông đã thống nhất các Thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ Giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối.
Giáo sư Triết học Thái Kim Lan cho rằng di sản của Hoàng đế Trần Nhân Tông để lại không chỉ có giá trị về mặt tư tưởng triết học Phật giáo mà còn mang tính thời đại: “Về mặt tư tưởng, ông sáng lập ra một Phật giáo Việt Nam và ứng dụng được lý thuyết của đạo phật một cách linh động và sáng tạo để tạo lên một nếp sống văn minh của người Việt Nam thời Lý Trần. Nếp sống của ông đơn giản, bình dị. Mặc dù ông là một đấng quân vương nhưng ông luôn nghĩ tới người khác, thực hiện nhân ái, trí tuệ kêu gọi nếp sống đạo đức mà điều đó rất cần thiết cho ngày hôm nay”.
Sau hơn 700 năm phát triển, đến nay, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã chứng tỏ là dòng Thiền mang đậm dấu ấn của văn hóa Đại Việt, mà đỉnh cao của nó là tư tưởng nhập thế, đạo không tách với đời. Biểu hiện sinh động nhất của dòng thiền này là chủ trương nhập thế tích cực hơn bao giờ hết để phật tử vừa xây dựng một đời sống theo đạo lý Thiền tông nhưng đồng thời họ cũng làm tròn trách nhiệm của một công dân có đạo đối với việc xây dựng và phát triển đất nước. Biểu hiện thứ hai của tinh thần nhập thế là việc mở mang đất đai bờ cõi đất nước mà triều đại nhà Trần đã thực hiện.
 Chùa Đồng (Yên Tử).
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho biết ở góc độ tư tưởng triết lý và tín ngưỡng tôn giáo là hai thành quả lớn mà Thiền Trúc Lâm mang lại cho Phật giáo Việt Nam hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp bao gồm trong hai giá trị lớn: lý tưởng và thực tế.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn: “Trần Nhân Tông mở ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trên cơ sở những nhận thức thu được từ ông của mình Trần Thái Tông và cha của mình. Từ đó, ông đã đẩy lên thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và nghĩ đến những đặc trưng cơ bản trước hết là tinh thần nhập cuộc, hòa quang đồng trần, tính chất nhập thế. Phật giáo mà lại nhập thế gắn với quốc gia, với dân tộc và gắn ngay với bản thân mình, ý thức, con người mình, tâm thế của mình với đời sống xã hội cho nên Trần Nhân Tông luôn nói về ý thức, đời sống, cuộc sống tu hành nhưng không xa thế gian”.
Tinh thần nhập thế Phật giáo thời Trần xuất phát từ lời dạy của một Quốc Sư dành cho Hoàng đế Trần Nhân Tông “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay, nếu Bệ hạ giác ngộ ngay tâm đó, thì lập tức thành Phật, không nhọc tìm kiếm bên ngoài”. Từ đây, một quan điểm về một Phật thể ra đời xuất phát từ hiện thực con người chỉ cần “lòng lặng mà biết”, nó đã tích cực tác động chi phối toàn bộ lịch sử tư tưởng Phật giáo Đại Việt.
Mọi người đều có thể thành Phật ngay giữa cuộc đời, bất luận là tu sĩ xuất gia, hay tại gia, nam hay nữ chỉ cần sống thiện, sống tốt là được. Điều đó cũng có nghĩa, nó cũng có ảnh hưởng tương tác với lịch sử tư tưởng dân tộc từ đó trở về sau.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, tinh thần nhập thế này được tiếp tục phát huy bởi các thế hệ đệ tử của Trúc Lâm sau này.
Thời kỳ Trần Nhân Tông hệ thống chùa và kinh sách nói đến thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là nói đến những ngôi chùa có tên như Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Hoa Nghiêm. Chính những chùa đó và hệ thống kinh sách đó có sức sống mãnh liệt và truyền vào cho chúng sinh. Điều đó cho thấy rằng sức sống của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gắn với đạo pháp dân tộc, âm ỉ trường tồn. Chính vì thế mà chùa Vĩnh Nghiêm, Hoa Nghiêm... được xây dựng ở nhiều nơi như Huế, Sài Gòn. Đến nay khá nhiều nơi trên thế giới với cộng đồng người Việt đều có những chùa đó từ Ấn Độ hay một số nước Đông Âu, đều có chùa lấy tên theo định hướng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Thiền phái Trúc Lâm đã nhập thế cùng dân tộc trong sự nghiệp phát triển đất nước. Điều này không chỉ tạo ra bản sắc Thiền tông Đại Việt mà còn tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị văn hóa xã hội nước nhà. Việc định hướng bảo vệ chủ quyền dân tộc, mở rộng biên cương, chấn hưng văn hóa Đại Việt của nhà Trần đều mang dấu ấn quan điểm Phật giáo, nhất là tư tưởng tùy duyên mà vui với đạo của Thiền phái. Sự thành công của nhà Trần là nhờ các ông vua lãnh đạo đất nước biết vận dụng tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông để huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân. Tiềm lực dân tộc trước hết nằm ở lòng yêu nước của toàn dân để xây dựng Đại Việt thành một quốc gia hùng cường mà không có một thế lực nào ngăn cản được.
Như vậy, tinh thần nhập thế của thiền phái Trúc Lâm là một sản phẩm tinh thần mang tính thuần Việt, văn hóa Việt và cốt cách Việt. Tinh thần nhập thế nói riêng, tinh thần Trúc Lâm nói chung đã góp phần giải quyết một loạt vấn đề lịch sử đặt ra vào thời đại đó và kéo dài tới ngày nay và đồng hành cùng lịch sử văn hóa dân tộc tới mai sau.
Theo VOV