10 lời dạy cực hay của cổ nhân, trăm năm sau vẫn còn nguyên giá trị
Làm sao để sống thanh thản, bình yên và nhìn thấu được lòng người trong cõi đời vô tận nay là câu hỏi mà nhiều người chưa tìm được câu trả lời.
Ngắm hoa tàn rồi hoa nở, xuân đến xuân đi, tất cả mọi thứ lắng đọng trong ký ức đều là con số không. Tất cả những nóng lạnh đau buồn trong đó có lẽ chỉ có bản thân ta mới có thể lý giải.
Dưới đây là 10 điều được cổ nhân đúc rút, đều là những bảo bối trên con đường nhân sinh của mỗi người.
1. Con người sống giữa đất trời, cũng giống như con ngựa chạy qua vạch ngăn cách mỏng manh, chớp mắt một cái đã xong rồi.
Danh lợi chỉ là những thứ phù phiếm mà chúng ta phải dồn bao tâm sức mới giành được. Thế nhưng, đời người ngắn ngủi lắm, chỉ khoảng mấy chục năm thôi, có khác nào một giấc mơ đâu.
Vì vậy, chúng ta cần phải biết cách trân trọng những thứ đáng quý, buông bỏ những tranh chấp vô nghĩa, quên hết bao phiền muộn sầu lo để được sống một cuộc đời thảnh thơi, vui vẻ.
2. Một người không vào miếu, hai người không xem giếng, ba người không ôm cây, ngồi một mình chớ dựa lan can
Trước đây trong miếu thường có những đồ dùng vật báu quý hiếm, nếu một mình đi vào miếu rất dễ bị tình nghi ăn cắp đồ, bởi vậy mới có câu “một người không vào miếu”.
Hai người khi ngó xuống giếng xem, một người không cẩn thận mà bị trượt chân ngã xuống giếng, người còn lại sẽ bị hiểu lầm là thủ phạm đẩy người kia xuống, bởi vậy mới nói “Hai người không xem giếng”.
Ôm cây kỳ thực là chỉ khiêng cây, có ba người cùng khiêng cây sẽ có một người vì lười nhác mà ỷ vào sức lực của hai người khác, bởi vậy mới có câu “Ba người không ôm cây”. “Ngồi một mình chớ dựa lan can”, là bởi khi ngồi một mình tâm tính người ta có thể vì buồn chán dễ nghĩ tới những việc đau buồn khi ngồi trên cao dễ nghĩ không thông mà xảy ra chuyện.
3. Nước không đủ thì không đẩy được chiếc thuyền lớn, gió không đủ thì không dang nổi đôi cánh to.
Chiếc thuyền lênh đênh giữa biển khơi phải dựa vào sức nước, đại bàng muốn sải cánh trên trời cao cũng còn phải xem sức gió. Không có đủ sức nước, chiếc thuyền chẳng thể cập được bến, không có đủ sức gió, đại bàng cũng chẳng thể bay suốt quãng đường dài.
Con người muốn thành việc đại sự, thì buộc phải sống thực tế và tập bắt đầu từ những thứ cơ bản nhất.
4. Rượu ngon cần có tri kỷ mới uống, thơ phú cần có người đối mới ngâm
“Tửu phùng tri kỷ ẩm, thi hướng hội nhân ngâm”.
Trên thế giới này có những người bạn không thích, cũng có những người không thích bạn, đó là việc rất đỗi bình thường. Vậy nên, đừng làm một người sống mệt mỏi trong cõi hồng trần này, hãy sống vì những người hiểu bạn và yêu quý bạn.
Đừng để mất niềm vui ở những người không yêu mến mình, sau đó lại quên đi sự vui vẻ của bản thân ở những người yêu mến bạn.
5. Tình thế không thể làm tới tận cùng, phúc không thể hưởng tận, tiện nghi không thể chiếm hết, thông minh không thể dùng hết
Trên thế gian này, không có việc gì là thập toàn thập mỹ. Bởi vậy Tăng Quốc Phiên mới đặt tên cho nơi mình cư trú là “Cầu Khuyết trai”, dụng ý là giữ được giới cấm, sống yên ổn nghĩ đến ngày gian nguy. Khổ cực mong muốn đắc được sự viên mãn về tinh thần, trước tiên cần có đôi chút thiếu hụt về vật chất.
6. Trước tiên cần dưỡng thần sau đó mới dưỡng hình
Cổ nhân thường nói: “Dưỡng hình không bằng dưỡng thần, điều thân không bằng điều tâm”. Điều chỉnh tốt tâm thái, có tâm tính tốt chính là nền tảng để có sức khỏe. Tâm thái có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe.
Tâm trạng tốt nhất chính là tĩnh lặng, một trái tim bình thản còn tốt hơn hết thảy linh đan thần dược.
7. Người phàm đều thích người khác đứng về phía mình và ghét những kẻ chống lại mình.
Sống ở trên đời ai mà chẳng thích nghe lời ngon tiếng ngọt, chẳng có người nào thích nghe những lời chê bai hay phản bác ý kiến của mình cả, đây là một chuyện rất thường tình.
Thế nhưng "thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng", có những lời phê bình xuất phát từ đáy lòng sẽ rất có lợi cho chúng ta và chúng ta nên học cách tiếp thu.
Hầu hết những con người kiệt xuất đều dũng cảm đối mặt với đủ mọi lời chê bai hay hàng loạt ý kiến phản bác của người khác.
8. Bi ai lớn nhất của đời người là chết về tâm tưởng, còn cái chết về thể xác chỉ xếp sau.
Bi kịch lớn nhất của đời người là bị tê liệt tinh thần, bị mất đi ý chí. Một người "chết tâm" không thể tự nhận ra nỗi bi ai của mình, mà phải do người khác nhìn nhận.
"Chết tâm" là khi tâm hồn đã nguội lạnh, ý chí bị mài mòn, chính người trong cuộc không hề biết nhiệt huyết trong lòng mình đã lụi tàn, chỉ có những người xung quanh mới phát giác ra điều đó.
9. Không thể nói chuyện biển cả với con ếch ngồi đáy giếng, chẳng thể bàn về băng tuyết với lũ côn trùng mùa hè.
Chúng ta chẳng thể nói những chuyện ngoài biển khơi mênh mông với một con ếch chỉ biết quẩn quanh nơi đáy giếng, cuộc sống bị bó hẹp trong tầng tầng lớp lớp giới hạn.
Với lũ côn trùng chỉ sống trong mùa hè nắng ấm, người ta cũng không thể kể lể câu chuyện về băng tuyết giá lạnh, bởi chúng chẳng bao giờ có cơ hội được trải nghiệm và cảm nhận cả.
Khi giao tiếp với người khác, cần phải chú trọng cách trình bày, phải dựa vào hoàn cảnh và độ hiểu biết của đối phương để bàn luận. Nếu không sẽ dẫn đến hậu quả là một bên cứ "đàn gảy tai trâu", còn một bên lại cho rằng người kia đang "không nói tiếng người".
10. Người có tài chẳng cần nói nhiều, chỉ có những kẻ bất tài vô dụng mới hay khoe khoang, thể hiện.
Một người thông minh sẽ chẳng bao giờ phải mất công trình bày này nọ hay chứng minh điều gì bằng lời nói, bởi "người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo".
Còn đối với những kẻ mồm năm miệng mười, luôn thích thể hiện mình giỏi, ra vẻ ta đây thường sẽ rơi vào tình trạng "nói dài, nói dai thành nói dại" và sớm muộn gì cũng sẽ phải "hiện nguyên hình" mà thôi.
Đôi khi lời nói sẽ bộc lộ sự hiểu biết và trí tuệ của con người, nhưng có những lúc trầm mặc lại thể hiện được sự uyên thâm, chín chắn của họ.