Đạo hiếu là gì? Hiếu theo quan niệm thời xưa khác thời nay như thế nào?
Các bạn biết chữ Hán thấy rõ: Chữ "Hiếu" là chữ viết tắt của hai chữ "Lão" ở trên (lượt bớt phần dưới) và chữ "Tử" ở dưới. "Hiếu" tức là mối quan hệ cha trên, con dưới; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Đọc bài "Đạo hiếu" của Nhất Thanh (Tr.331 cuốn "Đất lề quê thói"- NXB Đồng Tháp) cùng với một số bài nói về lễ Mừng lão,Yến lão, tôi rất nhất trí và không lặp lại, chỉ xin nói thêm vài lời.
Đạo hiếu xuyên suốt trong mọi phong tục của nhân dân ta, không thể không nói đến chữ hiếu khi viết về phong tục cổ truyền của ta. Lễ tế, lễ tang, lễ cưới, kể cả sinh đẻ, xây nhà dựng cửa, hội hè đình đám, việc nước, việc làng, thuần phong mỹ tục đã đành mà trong số những phong tục đã lỗi thời, ngày nay bị xếp vào loại đồi phong bại tục, ta cũng chắt lọc được một phần tinh hoa của đạo hiếu.
"Hiếu" là thiên kinh địa nghĩa, là gốc của mọi đức tính. Ca dao tục ngữ đã nói nhiều, ngay trong bài học vỡ lòng, trong "Luân lý giáo khoa thư" các em đã hiểu: "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"... Những chân lý đó, ai không chấp nhận, song quan niệm về chữ "Hiếu" ngày nay cũng có phần khác thời xưa.
Tôi không dám lên mặt dạy đời, chỉ xin thuật lại một buổi tranh luận trong nội bộ gia đình tôi:
Trước hết tôi hỏi" "Hiếu" là gì? Cháu nhanh nhảu trả lời: "Hiếu" là hiếu với dân, Bác Hồ khuyên" "Trung với nước, hiếu với dân". Đài báo cũng nhắc luôn: " Hiếu với chân, tức là cán bộ phải chăm lo cho dân, đừng ăn hôi lộ, đừng hách dịch với dân".
- "Việc hiếu" là gì?
- "Việc hiếu " là việc ... là việc... là việc cán bộ chăm lo cho nhân dân mà không ăn của đút, không... Đến đây cháu lúng túng. Thằng con út tôi trả lời thay:
- "Việc hiếu" là việc đưa đám ma, vì hôm trước, đưa đám ma xong, ông hàng xóm đứng lên cảm ơn thân bằng cố hữu đã giúp gia đình lo xong việc hiếu....
Đến đây, được chú em tôi phụ hoạ thêm:
- Cháu nói có lý đấy anh ạ! "Việc hiếu" là việc đối với người chết, cho nên người ta thường nói "Hiếu", "Hỷ", tức là chỉ việc tang, việc cưới. Nhưng cháu ạ, việc hiếu phải ba năm chứ không phải đưa ma xong là xong đâu ! Đến như tiến sĩ Lý Trần Quán, một người tận trung tận hiếu cuối triều Lê, trước khi chết còn viết đôi câu đối "Tam niên chi hiếu dĩ hoàn. Thập phần chi trung vị tận" (Chữ "Hiếu" 3 năm đã xong, chữ "Trung" mười phần chưa trọn).
- Hiếu đối với người chết, còn đối với người sống thì sao? "Sự tử như sự sinh" kia mà?
- ồ, anh muốn biết con anh có hiếu hay không, xin anh hãy ráng chờ sau khi anh chết sẽ rõ. Ca dao có câu "Khi sống thì chẳng cho ăn. Đến khi chết xuống làm văn tế ruồi". Thời xưa còn thế nữa là bây giờ. Nhưng anh cũng đừng lo ruồi ăn hết phần, vì thanh niên ngày nay có biết đọc văn nữa đâu mà tế ruồi.