Lễ hội Xa Mắc
Hầu hết các cư dân nông nghiệp ở nước ta đều có lễ mừng cơm mới. Các dân tộc ở Tây Nguyên gọi lễ nông nghiệp này là lễ hội Xa Mắc (lễ hội mừng cốm mới). Cư dân có nền văn hoá lúa (cả lúa nước lẫn lúa lửa) đều tin rằng sở dĩ mùa màng tươi tốt, bội thu là do một vị thần vũ trụ phù hộ, nếu vị thần này nổi giận thì các cây trồng, gia súc, gia cầm sẽ bị mất sạch. Bởi vậy, lễ mừng cơm mới là sự tạ ơn vị thần vũ trụ đó.
Trong hệ thống thần linh của đồng bào Tây Nguyên (thường được nhắc đến trong các bài khấn cúng) có ba vị nữ thần, trong đó có thần Ia pôm là người có uy quyền, bảo trợ cho cây lương thực. Từ xa xưa đồng bào xem vị nữ thần này là lúa.
Ngày nay trong văn học dân gian của nhiều dân tộc vẫn lưu truyền một truyện dân gian về cây lúa như sau:
Ngày xửa, ngày xưa hạt lúa to như trái gắm (một loại trái rừng cho chất bột to bằng củ đậu phộng còn cả vỏ). Ðến mùa, mẹ lúa bảo lúa dắt nhau về với con người. Bởi thế, trong buôn nhà nào cũng nhờ mẹ lúa mà no đủ quanh năm suốt tháng. Thế rồi tai hoạ ập đến như một định mệnh. Có một mụ già đanh đá, chua ngoa, tai ác chẳng biết từ đâu tới đã chửi mắng, đánh đuổi các con của mẹ lúa. Mẹ lúa tức giận không cho các con của mình về với con người nữa. Thế là con người phải hai sương, một nắng tự trồng lúa làm nguồn lương thực nuôi sống mình cùng gia cầm, gia súc.
Vào độ lúa còn non, đồng bào Tây Nguyên mang gùi lên nương hái lúa về làm cốm chuẩn bị cho ngày lễ hội Xa Mắc (không dùng liềm cắt lúa vì sợ cắt ngang bụng, mẹ lúa không sinh con sinh cái được). Ngoài cốm nhà nào cũng làm sẵn vài ba ché rượu. Trước ngày hội thanh niên trai tráng vào rừng lấy gỗ, tre, nứa về làm đàn tế, đàn bà giã gạo, thổi cơm, gùi nước, nướng thịt, chuẩn bị váy áo kơtếch (đặc biệt cho ngày lễ), đánh bóng kiềng, vòng bạc. Các nhạc công làm lễ chỉnh chiêng cho đúng giọng, điệu và tập những bài chiêng dành riêng cho lễ hội Xa Mắc.
Bước vào lễ hội, già trẻ, gái trai trong buôn mặc trang phục lễ hội đẹp đẽ, cổ đeo kiềng bạc, cổ tay, cổ chân cũng vòng bạc sáng trắng, nam giới đầu chít khăn có cắm lông chim công hay chim trĩ dài kéo nhau về tụ tập xung quanh nhà rông (những cư dân ở nhà dài không có nhà rông như £đê, Kor thì tụ tập xung quanh nhà già làng). Tiếng chiêng trống, cười nói, la hú vang động cả núi rừng yên tĩnh. Mớ âm thanh hỗn tạp kia bỗng tắt hẳn khi già làng cùng thầy cúng mặc áo blan, khố kơtếch, khoác áo choàng rộng, đầu chít khăn có cắm lông chim trĩ (trang phục lễ hội) tiến về phía đàn tế đọc lời khấn cúng:
Hỡi các bôốc Cây đây, Phu đây (thượng đế, mặt trời)
Hỡi các bôốc Sét, bôốc Vét, bôốc Tàng (các vị thần giúp việc cho thần mặt trời)
Hỡi các thần Klung Inh, Kinh Kro (thần chim)
Hỡi các nữ thần Ia Pôm
Hãy về chứng kiến ngày vui của lũ làng
Hãy phù hộ cho chúng tôi mọi bề toàn vẹn
Hãy xông cho trái tim chúng tôi
Mạnh như tiếng sấm, tiếng sét
Như tiếng con hổ gầm trong bụi tranh
Lũ làng chúng tôi như rượu chua, rượu đắng
Chẳng kẻ thù nào uống nổi
Phù hộ cho mùa màng năm sau bội thu
Lúa đầy kho,
Thóc đầy gùi.
Sau bài khấn của thầy cúng, dân làng tới dự lễ hội đồng thanh la hú dài. Tiếng chiêng trống nổi lên sôi động, dồn dập, rộn ràng. Ðội diễn xướng xoang Táp Xgor (múa vỗ trống), xuất hiện bên hông nhà rông tiến vào khu lễ hội. Ðội hình diễn xướng gồm năm người được bố trí như sau:
Người đi đầu múa lùi quay lưng lại hướng đi đầu cúi hướng xuống đất tay cầm chiếc gậy ngắn, chân bước chậm hơi nhún nhẩy. Ðộng tác và dáng điệu trang nghiêm thành kính.
Người thứ hai mặc áo blan, khố kơtếch đầu chít khăn có cắm lông chim trĩ, đeo trống có dây quàng qua cổ, để dài ngang thắt lưng. Người này đi thẳng hướng đối diện với người thứ nhất vừa vỗ trống với nhịp điệu nhanh luôn có đảo phách vừa thực hiện những tổ hợp động tác mạnh mẽ, sôi nổi, khi nhẩy qua trái, khi nhẩy qua phải, khi dừng lại ưỡn cong lưng ngả ra phía sau, đầu xoay tròn sao cho chiếc lông chim vẽ một vòng tròn trên mặt đất. Nghĩa là người này phải thể hiện tính cách một nhân vật hiếu động, dữ dội, cuồng nhiệt đến độ bốc lửa.
Ba người đi sau là nhạc công chiêng chỉ tập trung đánh bài chiêng nhanh, sôi nổi.
Trong mùa lễ hội đồng bào Tây Nguyên thường muốn tận mắt nhìn thấy vị thần bằng xương bằng thịt đến với họ. Diễn xướng xoang Táp Xgor nói trên đáp ứng được trọn vẹn ước vọng tâm linh của những người gắn bó bao đời nay với nương rẫy, núi rừng. Sau khi đội diễn xướng xoang Táp Xgor đi hết một vòng rồi khuất sau nhà rông, một đội hình múa khác gồm 20, 30 cô gái trẻ trong trang phục lễ hội xếp theo hàng một nắm tay nhau múa uyển chuyển, chuyển động chậm rãi theo nhịp của dàn chiêng cũng xếp đội hình thành hàng một theo sau với chiếc trống cái (mặt dự án trống còn cả lông thú) do bốn thanh niên lực lưỡng khiêng và một người đánh trống đi đầu đội hình chiêng. Một người đàn bà có tuổi đi đầu dẫn đội hình múa, chiêng trống đi đến từng gia đình. Khi họ đến gia đình nào, họ múa, di chuyển quanh nhà một vòng ngược chiều kim đồng hồ, sau đó các thành viên trong đội hình múa, chiêng lần lượt lên nhà. Chủ nhà đã chờ sẵn ở cửa ngay sát cầu thang lên xuống đưa vào miệng khách một nắm cốm dẻo thơm. Các thành viên trong đội hình múa, chiêng vào nhà ăn cơm thịt nướng, uống rượu cần, vui chơi nhẩy múa. Sau đó họ lại đi đến các nhà khác, tái diễn những động tác, hành động như trên. Bằng diễn xướng này, đồng bào Tây Nguyên muốn dựng lại cảnh mẹ lúa (nữ thần Ia Pôm) dắt con đến từng nhà và buôn làng có lời thanh minh với mẹ lúa rằng, họ vẫn quí trọng các con của mẹ chứ không như mụ già đanh đá, chua ngoa, tai ác kia.
Sau khi đi hết các gia đình trong buôn, đội diễn xướng múa, chiêng quay trở lại khu lễ hội quanh nhà rông. Họ hoà vào đám vui chơi, ăn uống cộng cảm. cứ như thế lễ hội Xa Mắc diễn ra suốt một ngày, một đêm. người ta đến đây quên hết thẩy mọi nỗi nhọc nhằn, vất vả đời thường, quên đi mọi hận thù để chỉ có duy nhất một tiếng nói trên thế gian này, tiếng nói của tình yêu giữa con người với con người như lửa đêm hội lễ cứ bốc cao mãi, cao mãi. Quả như lời người Tây Nguyên vẫn thường nói: "9 tháng đổ mồ hôi, 3 tháng vui mùa lễ hội".